Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia có bờ biển đã xem xét phát triển cỏ biển như một giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đến nay có khoảng 50 quốc gia đã nhận thấy vai trò quan trọng của hệ sinh thái “các-bon xanh” trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu ước tính tiềm năng tích luỹ CO2 của cỏ biển bằng phương pháp kiểm kê khí nhà kính của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) để thống nhất với phương pháp kiểm kê quốc gia khí nhà kính, qua đó có thể xem xét tiềm năng đóng góp cho Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của cỏ biển ven bờ Việt Nam. Nghiên cứu đã áp dụng phương pháp xác định diện tích, độ phủ của cỏ biển; lấy mẫu, phân tích mẫu và xử lý tính toán. Kết quả cho thấy, tại khu vực nghiên cứu hệ số hấp thụ CO2 của cỏ biển biến động theo loài, nằm trong khoảng từ 0,064 - 2,55 tấn CO2/ha. Trữ lượng tươi của cỏ biển được ước tính là 8.771,46 tấn tương ứng với 9,80 tấn/ha. Tổng lượng khí CO2 hấp thụ được của cỏ biển khu vực tại thời điểm nghiên cứu đạt giá trị cao nhất là 2.304,13 tấn, tương đương 2,55 tấn CO2/ha. Khả năng này tương ứng khoảng 75% so với lượng hấp thụ CO2 trung bình từ rừng hiện nay (3,40 tấn CO2/ha). Nghiên cứu đã đưa ra được hệ số hấp thụ CO2 của cỏ biển khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và đầm Lập An. Đây là những thông số quan trọng dùng để kiểm kê phát thải/hấp thụ CO2 bằng phương pháp của IPCC và có thể xem xét để bổ sung vào danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính cho đối tượng cỏ biển của Việt Nam. Điều này cho thấy, vai trò của cỏ biển trong việc hấp thụ khí CO2 là rất đáng ghi nhận và cần có những nghiên cứu, tính toán cụ thể, toàn diện hơn để góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050.