Ở Việt Nam, các nguồn nhiên liệu như than tổ ong, gỗ củi, chất thải rắn nông nghiệp, khí hóa lỏng (LPG) đang là nguồn năng lượng chính được sử dụng để đun nấu hằng ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng các nguồn nhiên liệu này cũng gây nên nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường trong nhà, tác động đến sức khỏe con người với mức độ khác nhau. Trong nghiên cứu này, hàm lượng bụi PM10, PM2.5, PM1 được quan trắc bằng thiết bị GRIMM 107-G (Grimm Technologies, Inc., Douglasville, GA, USA) trong quá trình đun nấu sử dụng các loại nhiên liệu khác nhau như than tổ ong, gỗ củi và LPG. Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng bụi trong phòng bếp có xu hướng lớn hơn hàm lượng bụi ở không khí bên ngoài. Kết quả đo cũng cho thấy hàm lượng bụi PM10, PM2.5, PM1 khi đun nấu bằng củi có giá trị cao nhất, lần lượt là 305,7 105,3 μg/m3; 158,3 35,4 μg/m3; 135,9 31,0 μg/m3. Tỷ lệ bụi PM10 bên trong và bên ngoài (I/O) khi sử dụng bếp củi, bếp than và LPG có giá trị lần lượt là 2,67; 1,18; 0,92. Hàm lượng bụi cao trong các phòng bếp là không tốt cho những người nội trợ và có thời gian tiếp xúc dài với nguồn chất ô nhiễm nói trên.