Nước thải đô thị tại Việt Nam hiện nay chưa được thu gom và xử lý hiệu quả. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng (2020) hiện tại mới có 10 ÷ 15% lưu lượng nước thải đô thị tại Việt Nam được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải. Các công nghệ xử lý nước thải (XLNT) tại Việt Nam phổ biến như: công nghệ bùn hoạt tính truyền thống (CAS), công nghệ xử lý theo mẻ (SBR), công nghệ lọc nhỏ gọt (TF), công nghệ mương oxy hóa (OD), công nghệ bùn hoạt tính dính bám (MBBR), công nghệ màng lọc (MBR),... Ứng dụng bùn hạt hiếu khí để XLNT đô thị tại Việt Nam đang ở giai đoạn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và đạt được kết quả ban đầu rất tốt trong điều kiện tại Việt Nam. Trong nội dung bài báo này, trình bày kết quả nghiên cứu xử lý chất hữu cơ (COD và NH4+ - N) của việc sử dụng bùn hạt hiếu khí để XLNT tại trạm Trúc Bạch - Hà Nội quy mô phòng thí nghiệm. Nghiên cứu được thực hiện trên mô hình bể xử lý theo mẻ (SBR) có kích thước: đường kính bể là 0,110 (m), chiều cao bể là 1 (m), thể tích làm việc của bể là 4 (lít). Một chu kỳ làm việc của bể là 3 giờ, trong 1 chu kỳ gồm 4 pha: pha cấp nước vào có thời gian 2 (phút), pha sục khí 130 (phút), pha nghỉ 30 (phút), pha xả 15 (phút). Kết quả: hiệu quả loại bỏ COD luôn lớn hơn 90%; hiệu quả loại bỏ NH4+ - N luôn lớn hơn 75%. Từ khóa: Bùn hạt hiếu khí; hiệu quả xử lý chất hữu cơ; xử lý nước thải.