Đánh giá giá trị chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan trên đối tượng nguy cơ cao bằng điểm GALAD. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu trên các đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư gan nguyên phát tại Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 4 năm 2021. Kết quả nghiên cứu: 26,2% bệnh nhân xơ gan do viêm gan B, viêm gan C; 73,8% bệnh nhân viêm gan virus không xơ gan hoặc xơ gan do các nguyên nhân khác. 136/572 bệnh nhân chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan (23,8%), Trung vị giá trị AFP; AFP-L3; PIVKA-II ở nhóm bệnh nhân UTBMTBG là: 120,5ng/ml; 11,2%; 1233,0mAU/ml; cao hơn nhóm bệnh nhân không ung thư biểu mô tế bào gan là: 2,3ng/ml; 0%; 16mAU/ml (p < 0,000). Giá trị AFP, AFP-L3, PIVKA-II tăng khi kích thước khối u tăng (p < 0,001). Giá trị AFP, AFP-L3, PIVKA-II giai đoạn trung gian, muộn cao hơn bệnh giai đoạn sớm (p < 0,000). Giá trị AFP, PIVKA-II cao hơn ở nhóm có huyết khối tĩnh mạch cửa (p< 0,05). Sử dụng thang điểm GALAD chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan cho diện tích dưới đường cong tốt nhất so với xét nghiệm bộ 3 riêng lẻ với AUC = 0,94; độ nhạy 91,9%; độ đặc hiệu 81,7%. Kết luận: Sử dụng thang điểm GALAD tăng tỷ lệ phát hiện ung thư biểu mô tế bào gan.